Thursday, November 11, 2010

Xa Thu

Xạ Thủ Phi Hành
67a
Cứ mỗi lần nghe nói hồi trước tôi ở binh chủng Không Quân là thiên hạ -nhất là mấy bà mấy cô- hỏi liền rằng hồi trước anh lái máy bay gì??
Cũng không trách họ được, bởi vì trông tôi cao ráo đẹp trai quá xá, hiện đang là một kỹ sư, chủ một hãng khá lớn, lái xe Lexus mới toanh, tiêu tiền như nước v v… thì đâu có ai ngờ rằng ngày xưa tôi chỉ là một thằng lính quèn!
Đọc tới đây chắc có người bỉu môi ra mà nói:
-Thằng cha này “nổ” quá xá!
Hề hề, cũng phải cho tôi nổ tí chứ!
Bởi vì ngày còn đi lính tôi chuyên trị đại liên M60 rồi khi chuyển qua Trực Thăng Gunship tôi lại ôm cây minigun 6 nòng, bắn kêu ò ò như bò rống, khiến địch quân kinh hồn bạt vía, nên bây giờ phải nổ một chút xíu cho vui đời, yêu người vậy mà.ah-1minigun
Quái đản một điều là sao thiên hạ lại có quá nhiều người cứ tưởng ai đi Không Quân cũng đều là Pilot hết, trong khi thực tế để đem một ông Pilot “lên giời” thì cả hơn chục thằng “vô danh tiểu tốt” khác phải ngày đêm làm việc hùng hục như trâu, trắng dờ con mắt.
Nguyên do là các đấng Pilot thường cao lớn, mặc đồ bay vô coi oai hùng, các em nhìn thấy là nuốt nước miếng ừng ực rồi; Các bố ấy và các văn sĩ nửa mùa lại thường viết bài, viết truyện ca tụng cuộc đời mấy ổng quá chời quá đất, nào là hào hoa phong nhĩ (Phi công ra đi … gái theo ngập đường!); nào là anh dũng lệch người (Đi không ai tìm xác rơi), còn các ngành khác chẳng mấy khi có ai nói đến.
Nhớ từ ngày tôi đọc báo Lý Tưởng đến nay, chỉ thấy có Pilot Ke Phương Toàn lái máy bay trực thăng thấy muốn té đái trong quần; anh Bé viết về ngành Kỹ Thuật sửa chữa phi cơ nắng nôi vất vả; ông Th/s Thông viết chuyện Cơ Phi rớt ở Hạ Lào gần chết, còn cái ngành Xạ Thủ của tôi thì chỉ nghe đến cái tên là người ta đã ớn xương sống, nói gì viết ra nghề mình để người ta đọc.
Cũng chính vì cái vụ này mà hồi đó tôi có quen một em mà rồi sau không thành, khi ông già em biết cái chỉ số Xạ Thủ của tôi.
Khi bị bắt buộc chia tay em rồi, tôi chửi đổng:
- Me, đi lính mà không làm xạ thủ bắn ngay địch quân thì còn ra cái thể thống gì, bộ thằng Pilot nó bỏ bom không chảy máu hay sao. Me, ổng làm như tui là Xạ thủ đại liên thì chưa kịp bắn, chỉ cần đến gần là con gái ổng có bầu liền hay sao.
Thôi chuyện lâu rồi bây giờ tôi cũng không tức mà làm gì cho nó nhẹ thể và lên tăng xông, vì cũng may là con gái ổng không lấy tôi, chứ nếu mà … thì cuộc đời cổ cũng không khá, tôi sẽ bóp .. như bóp cò mini gun 4000viên/1phút thì cổ sẽ đẻ sòn sòn năm một.
Tôi gia nhập Không Quân sau hơn một năm đi lính Bộ Binh.
Một năm ca bài “Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm, sương trắng rơi đôi vai ướt lạnh mềm ..” thì tôi lên Binh Nhất. Lúc Không Quân qua tuyển mộ những thằng vác súng đại liên M60 là tôi xung phong đi liền. Vác cây súng kềnh càng nặng nề, với băng đạn dài quấn quanh người, ba lô, cơm sấy, băng rừng lội ruộng còn không ngán, mà bây giờ được ngồi trên máy bay bắn xuống thì nhàn nhã biết chừng nào, phải nạp đơn gấp gấp.
Tôi về Tân Sơn Nhất vô khám ở khối Y Khoa Phi Hành.
Nhiều kẻ ứng thí rớt lộp độp nhưng tôi cái gì cũng tốt: Tim đập rất tốt, tăng xông vừa phải cho dù mới làm 20 cái nhảy xổm xong, tai thính như tai chó, mắt sáng hơn sao chỉ nhìn sơ con ruồi là biết con đực con cái, chỉ liếc thoáng qua là biết đứa con gái nào vú nở đít cong.
Nhưng khi bị chuổng cời ra cho ông bác sĩ Dụ khám tổng quát thì có vấn đề.
Anh TSI Hiếu bỏ cái thước đo chiều cao lên đầu tôi rồi anh phán:
- Thiếu thước tấc!
Tôi đành tôn anh ta lên:
- Thưa Thượng Sĩ! Lái máy bay kìa thì lùn chút đỉnh không được vì không đạp tới pê-đan, chứ cái thứ Xạ thủ đại liên trên máy bay trực thăng, nếu ngồi bắn không được, thì tui lom khom hay đứng cũng với tới cò súng được chớ có sao đâu.
Nhờ câu nói nịnh tăng anh ta lên một cấp, mà anh đã tăng lên cho tôi thêm vài xăng ti mét, để khỏi mang tiếng là Thằng Lùn Mã Tử, thế là tôi vào lính Không Quân.
(Lúc nãy tôi nổ là cao lớn đẹp trai chơi mà thôi, chứ người tôi tròn vo, mặc áo bay vào trông rất giống củ khoai!)
Tuy vậy cũng không phải là dễ ngon ăn đâu nghen, khám đằng trước coi hai hòn có cân nhau không, rồi họ cũng bắt chổng đít ra mà khám, tụi nó kháo nhau rằng khám coi có lông đít hay không, nhưng tôi nghĩ là họ khám bịnh trĩ.
Mấy tờ báo lớn ở Sài Gòn thường có câu quảng cáo “Ai đau khổ vì bịnh trĩ” ai mà không biết, người nào bị bịnh này thì đi ỉa cũng còn khó chứ nói gì đến việc trọng đại là đi lính Không Quân.
Tôi được xếp theo học khoá II Vũ Khí Phi Hành ở mãi tận Nha Trang.
Mới từ chiếc C119 thủng đít bước xuống là cả chục ông cán bộ của TTHLKQ ùa ra hò hét, họ cứ tưởng tụi tôi là lính mới nên hù doạ đủ điều. Nhưng thực sự mấy anh chàng này là khoá sinh của Khoá II HSQ Truyền Tin, tính ra khi chúng tôi vào lính thì mấy thằng này còn học đệ tứ hay đệ tam là cùng. Họ cũng áp dụng hình phạt chúng tôi như mấy khoá Cơ Phi, nhưng khi nghe thằng trưởng khoá xưng danh là HSI Nguyễn Nén là dần dần họ lảng ra (Thực ra khi vô quân trường phải báo cáo là Khoá Sinh, nhưng thằng Nén chơi nổi, cứ xưng cấp bực cho bọn kia nể vậy mà, đi lính tác chiến lên đến Hạ Sĩ Nhứt mà còn sống thì đừng đụng tới nó mà có ngày mang khốn).
Thế là chúng tôi tương đối thoải mái, không bị hành hạ nữa, hằng ngày cắp sách đến Trường Kỹ Thuật học về Vũ Khí.
Tôi cũng không biết tại sao lại bắt chúng tôi học vềcây súng M60 làm gì nữa, vì đã từng ôm ấp em cả năm, tháo ra chùi rửa hàng mấy trăm lần, thì học về nó làm chi, trong bóng đêm hay nhắm mắt tôi cũng có thể tháo em ra từng mảnh rồi ráp lại trong vòng ít phút.
Cuối khoá thì có chương trình học về nhận dạng phi cơ ta và địch. Phi cơ phe ta và Mỹ thì dễ rồi, hồi còn ở chiến trường tôi cũng thường nhìn thấy nó: H34, UH1, CH47, CH54, OH6. Về máy bay có cánh thì O1, O2, C47, C119, C7, C123, C130, AH1, A37, F5, A6, F4C v v.. Chúng tôi còn phải phân biệt những máy bay dân sự và vài loại đặc biệt của Air America nữa.
Còn về máy bay của bên kia thì có Mig 17, 19, 21 với cái máy bay “lên thẳng” MI6 trông hơi giống chiếc CH53 của Mỹ.
Mãn khoá thì tôi được gởi về KĐ 74 ở Cần Thơ. Năm đó phi trường Trà Nóc chỉ có 2 phi đoàn Trực Thăng là 211 và 217. Chúng tôi ở trong dãy barrack của Phòng Huấn Luyện. Không biết ông Trưởng Phòng là ai, chỉ biết mình nằm dưới sự điều động của thằng cha TSI Viễn hắc ám, nó có cô vợ coi được lắm, nhưng bánh mì thịt cô ta bán cho tụi tôi thì mặn hơn thịt kho. Cứ mỗi sáng lúc 5g thì mỗi thằng được PHL cho mượn 1 cái nón bay, trong đó có 1 bịch gạo sấy, 1 hộp trái cây và một hộp thịt ba lát xách tòn teng lên phi đoàn.
Hồi đó Xạ Thủ còn thiếu nên gọi là về đây để Phi Huấn 3 tháng, nhưng trên thực tế họ cắt đi hành quân liền.
Tôi leo lên tàu bay có ông Trưởng phi cơ râu rậm coi phát gớm, lòng tự hỏi sao con bồ ổng chịu được, râu chìa tua tủa ra như rứa hôn nhau nhột chết cha luôn.
QĐVNCH đang tấn công qua Miên, nên máy bay nào cất cánh cũng nhắm hướng Châu Đốc mà bay. Chừng 20 phút bay ven theo sông Hậu là đáp ở núi Sập núi Sam chi đó. Gần bãi đáp (chỉ to hơn cái sân bóng chuyền) là cái ao nuôi cá tra. Ông Pilot của tôi thấy có đứa con gái ngồi trong cầu nên hover gần một chút, ôi thôi mấy tấm lá dừa nước che cầu gió đánh tung lên bay qua phía bên kia, cô gái sợ gió cuốn bay theo, hoặc có thể rớt xuống đìa nên hai tay bấu chặt cứng vô mấy cây cọc tràm, quần sa teng không kịp kéo lên nên phơi cặp mông trắng hếu, dòm thấy thương hết sức.
Một hồi sau liên lạc sao đó mà ông Đại Uý nói mở dây cánh quạt, quay máy để đi tải thương bên Tà Keo.
Đồng ruộng Cam-Pu-Chia mùa này nước trắng xoá như biển, nhưng đó đây thỉnh thoảng thò lên những đám cây thốt nốt và những căn nhà cao cẳng.
Đến một vùng kia khá cao ráo, đất đỏ như đất Miền Đông thì tôi thấy khói màu tím bay lên từ khu vườn của một ngôi chùa Miên mái nhọn. Xung quanh chùa có những cây gỗ sao cổ thụ và cây thốt nốt khá cao.
Ông Mévo bấm máy:
- Có khói tím ở hướng 3 giờ.
Ông Trưởng phi cơ vòng lại và ? máy bay hạ thấp, có tiếng nói trong intercom:
- Clear cây.
Mẻ, ổng nói cái gì rẹc rẹc ? âm vang trong nón bay thế này. Tôi nghe thằng cha Cơ Phi hô “OK” nên cũng bấm máy hô theo “OK”.
Máy bay hạ xuống.. nổ cái đùng, thân tàu lắc lư, sàng qua bên phải rồi đáp, lính bộ binh tràn ra đứng coi, máy bay hạ ga rồi tắt máy. Ông Đại uý chờ cánh quạt ngừng quay rồi leo lên nóc, nhắm nhé coi nó móp thế nào sau khi quất một cú vô ngọn cây thốt nốt.
Méo có chút đỉnh thôi mà mặt ông ta nhăn như khỉ ăn mắm tôm, quay qua nhìn tôi rồi xổ một câu:
- Clear như cặc!
Tuy nhiên ông cũng chở mấy cái cáng thương binh bay về tới Quân Y Viện Cần Thơ, rồi đáp Trà Nóc luôn để Kỹ Thuật coi lại cái Rotor.
Tôi buồn bã xách lỏn tỏn cái nón bay về Phòng Huấn Luyện. Tới ngang khu Nữ Quân Nhân thì thấy một bọn hơn chục thằng đang kiệu nhau trên vai mà nhòm vô dẫy phòng tắm. Nhìn tôi đang đi thất thểu coi thảm thương quá, tụi nó tội nghiệp vời vào, rồi lại còn tận tình kiệu tôi lên vai để tôi nhìn cho sướng cuộc đời.
Tôi để nón helmet xuống rồi nhảy phóc lên vai hai thằng, vừa kê sát mặt vô hàng gạch có lỗ phía trên cao để nhòm gái tắm …. Chưa phân biệt chỗ trắng cùng đen, lá tre khác lá ổi thế nào thì nguyên một thau nước nóng tạt ngay vô mặt, tôi tối tăm mặt mũi vội tụt xuống, hai thằng phía dưới cũng ướt mem. Phía trong mấy đứa con gái lính “Không Cu” cười ré lên chế diễu.
Mấy dẫy barrack này Mỹ mới giao, thành thử hệ thống nước nóng rất nóng như nước sôi, nóng đến nỗi tụi tôi thường lấy trực tiếp đổ vô làm cơm sấy được cơ mà. Mặt tôi đỏ rần lên, không phải vì mắc cở mà vì da rát như bị phỏng.
Tôi lủi thủi ra lấy nón bay mà về chỗ ngủ của mình. Mẹ kiếp, thằng cà chớn nào nhân lúc lộn xộn, chĩa luôn mấy món đồ hộp và bọc gạo sấy của tôi, chỉ còn để lại cái nón helmet trống rỗng. Thôi, thế là chiều nay lại đành phải ăn bánh mì kẹp thịt kho mặn chát của con mẹ Viễn rồi!
Hồi trước tôi thông minh sáng láng lắm, nhưng kể từ khi bị tạt thau nước nóng ấy (không biết tụi nó có giặt đồ gì trong đó chưa) mà tôi bỗng ngu đi trông thấy.
Cái ngu còn hiển hiện trên mặt tôi mãi cho đến bây giờ, hễ đàn bà con gái dỗ ngọt là lại: “Lần này mình ngu kiểu này, lần khác mình lại ngu kiểu khác”.
Ra trường là tôi “được” đi Đà Nẵng ngay, tới PPĐ213 có ông Trương Văn Vinh làm sếp vì ông Đặng Văn Phước mới lên 51CT rồi. Sau đó chuyển qua 233 dưới quyền ông Bùi Quang Chính.
Trong có mấy năm mà tôi có quá nhiều Sếp: Ông Nguyễn Văn Thanh 233, ông Nguyễn Anh Toàn 239, ông Luân (hình như ông họ Phạm Đăng thì phải) Sau cùng là ông Huỳnh Văn Phố ở 253.
Thôi, ngứa tay thì viết chơi về đời lính một chút vậy, nếu các bạn cho là tôi viết “có diên”, thì tôi sẽ viết thêm nữa để kể về chuyện tôi đi tán mấy em bán thuốc lá lẻ (để mua thiếu) và mấy em ở CLB (để dễ bề ghi sổ).
Tôi chẳng bao giờ đi tán mấy em nữ sinh nữa đâu, vừa tốn tiền dẫn em đi ăn chè hoặc xi nê, mà đôi khi còn vỡ mặt, hận đời khi bố em biết tôi chính danh là Xạ Thủ Phi Hành.
                                                                               Minigun. Nguyễn Nén

Wednesday, October 27, 2010

Chuyến bay tử thần vào đồi 31 Hạ Lào


Chuyện về cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào nhằm cắt đứt đường mòn HCM đã được nhiều người viết ra. Ðầu tiên là nhà văn Phạm Huấn với quyển "Trận Hạ Lào năm 1971", rồi nhà văn nhảy Dù Lê Ðình Châu, đại uý đại đội trưởng đại đội công vụ nằm vòng đai bảo vệ cho Lữ đoàn 3 nhảy Dù trên đồi 31 cũng ra mắt quyển "Ðôi mắt người TùBinh", và anh Nguyễn Văn Long, thiếu uý sĩ quan phụ tá ban 2 Lữ Ðoàn 3 nhảy Dù vẫn thường xuyên viết về Hạ Lào cho Ðặc San Nhảy Dù ỡ Úc Châu. Ở đây, tôi chỉ ghi lại câu chuyện như là một mẩu hồi ức dưới mắt nhìn của một người lính Không Quân.
Tôi là một hoa tiêu phục vụ trong phi đoàn 219, thuộc Không Ðoàn 51, Sư Ðoàn I KQ trú đóng tại Ðà Nẵng. Phi đoàn 219 là hậu thân của biệt đoàn 83 với nhiệm vụ tiến hành cuộc chiến tranh thầm lặng trong bóng tối nhằm gây rối, phá hoại hậu phương của địch. Vì thế tất cả phi cơ của phi đoàn 219 chỉ sơn toàn bệt màu đen và xanh lá cây xẫm bên trên phần bụng trắng và không mang phù hiệu hay cờ gì cả ngoài số serial number mà thôi. Là một phi đoàn chỉ thi hành những phi vụ đặc biệt ngoài lãnh thổ và ngoài những cuộc hành quân bình thường, nhưng trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nằm trong kế hoạch được mệnh danh là Việt hoá chiến tranh, một cuộc hành quân quan trọng lần đầu tiên hoàn toàn do QLVNCH đảm nhiệm với sự yểm trợ tối thiểu của không lực Hoa Kỳ trong những ngày đầu với những loại trực thăng khổng lồ chuyên chở những xe cơ giới hạng nặng như xe ủi đất, lô cốt tiền chế, đại pháo 105 và 155 ly để QLVNCH dọn bãi thiết lập những căn cứ hoả lực đầu cầu trên đất Lào. Vì thế nên Quân Ðoàn I đã phải trưng dụng tất cả những đơn vị KQ trực thuộc Sư Ðoàn I KQ trong đó có phi đoàn 219. Như vậy phi đoàn chúng tôi, ngoài những phi vụ đặc biệt thường lệ, lại phải đảm nhiệm thêm việc yểm trợ cho Sư Ðoàn Dù, một trong 3 lực lượng nòng cốt trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mỗi ngày phi đoàn 219 tăng phái một phi đội gồm 2 hoặc 3 chiếc H34 nằm trực chiến tại Khe Sanh, nơi đặt bản doanh Bộ chỉ huy tiền phương Sư Ðoàn Dù. Từ đây chúng tôi xuất phát những phi vụ tiếp tế lương thực, đạn dược cho các căn cứ hoả lực 29, 30 , 31 và các đơn vị hành quân lục soát bên ngoài căn cứ. Những phi vụ này thường là rất "hot", nhưng "hot" nhất vẫn là những phi vụ tải thương cho binh sĩ nhảy Dù khi có đụng độ với quân cộng sản Bắc Việt. Và chuyện này xảy ra như cơm bữa hàng ngày nên chúng tôi coi như pha. Chúng tôi cứ luân phiên nhau mỗi phi đội trực chiến cho Sư Ðoàn Dù 4 ngày rồi trở về Ðà Nẵng tiếp tục những phi vụ thường nhật.
Hôm nay đến phiên trực của chúng tôi. Phi đội gồm có 2 phi cơ do anh Chung tử Bửu lead, tôi copilot và Nguyễn văn Em là mêvô, chiếc thứ hai tôi chỉ nhớ hoa tiêu chánh là anh Yên. Chúng tôi vào phi đoàn nhận lệnh vào lúc 8 giờ sáng rồi chia tay nhau về nhà sửa soạn hành trang, hẹn gặp nhau lúc 10 giờ ngoài phi đạo 219.
Ðúng giờ hẹn, chúng tôi ra phi cơ làm tiền phi, check nhớt, xăng, load những cơ phận sửa chữa dự trữ, đồ nghề và anh em kỹ thuật 219 rồi cất cánh, trực chỉ Ðông Hà, Quảng Trị. Khoảng quá trưa thì chúng tôi ra đến Khe Sanh. Vừa đến nơi, không màng ăn trưa vì nóng lòng muốn cứu đồng đội nên chúng tôi quyết định phải vào ngay đồi 31 chứ không thể đợi lâu hơn được. Trong khi anh Bửu vào trình diện với Bộ Chỉ Huy Tiền Phương SÐ Dù để đặt kế hoạch cho chuyến bay thì tôi và mêvô Em đi check lại máy bay. Xăng vẫn còn đầy bình trước, dư sức bay không cần phải refuel.

Một lát sau từ phòng briefing ra, anh Bửu vắn tắt cho anh em biết về phi vụ quyết tử này. Chuyến vào chúng ta sẽ chở theo một tiểu đội tác chến điện tử Dù cùng với 18 chiếc máy "sensor" vào tăng phái cho căn cứ 31 dùng để phát giác đặc công địch, chuyến ra sẽ rước phi hành đoàn anh Nguyễn thanh Giang về. 15 phút trước khi lên vùng, pháo binh Dù sẽ bắn dọn đường mở một hành lang dọc theo quốc lộ 9, dập vào những địa điểm được ghi nhận có phòng không địch vì tình hình lúc này rất gây cấn, địch tập trung lên đến cấp tiểu đoàn phòng không gồm đủ loại từ 37 mm, 12ly7 và lần đầu tiên còn nghe có cả SA7 nữa. Về không trợ thì có 2 chiếc Gunship của phi đoàn 233 do trung uý Thục bay trước mở đường.
Trước đó trong lúc briefing, anh Bửu đã được nói chuyện trực tiếp với anh Giang từ trong đồi 31 và được biết, ngày hôm qua khi bay vào vùng anh Giang đã dùng chiến thuật "lá vàng rơi", từ trên cao cúp máy auto xoáy trôn ốc xuống, nhưng vì phòng không địch quá dày đặc nên khi gần đến đất, phi cơ anh bị trúng đạn rớt xuống gãy đuôi nằm bên cạnh vòng rào phòng thủ ngoài cùng của Lữ Ðoàn 3 Dù. Phi hành đoàn vô sự, chỉ có copilot là Võ văn On bị xây xát nhẹ ở cổ, tất cả chạy thoát được vào trong căn cứ Dù. Nhưng trước khi bỏ phi cơ, mêvô Trần hùng Sơn không quên vác theo cả cây M60 trên cửa máy bay nữa. Rút kinh nghiệm, hôm nay anh Bửu bay Rase Motte sát ngọn cây theo hướng Ðông-Tây đi vào. Trên đường bay dọc theo quốc lộ số 9 tôi còn nhìn thấy những cột khói bốc lên nghi ngút, chứng tỏ pháo binh Dù bắn rất chính xác và hiệu qủa. Gần đến LZ anh Bửu đổi hướng lấy cấp Ðông Nam-Tây Bắc để đáp xuống. Vừa ló ra khỏi rặng cây, tôi đã thấy chiếc Gunship của trung uý Thục bay vòng lại, cùng với tiếng anh la lên trong máy "Bửu coi chừng phòng không ở hướng Tây". Từ trên phi cơ nhìn xuống, giữa màu xanh trùng điệp của rừng cây nhiệt đới, ngọn đồi 31 đỏ quạch nổi bật với những đốm bụi đất tung lên từng cơn vì đạn pháo kích quấy phá của cộng quân bắc Việt. Không nao núng, anh Bửu vẫn điềm tĩnh tiếp tục đáp xuống. Khi phi cơ còn cách mặt đất độ 15 thước thì trúng một tràng đạn phòng không, phi cơ phát hoả, bùng lên một đám khói bao trùm cả phi cơ, mêvô Em la lên khẩn cấp trong máy "đáp xuống, đáp xuống anh Bửu ơi, máy bay cháy". Cùng lúc anh Bửu cũng cao tiếng báo động cho chiếc wing "Yên ơi, tao bị trúng đạn rồi, đừng xuống nữa" trong khi vẫn bình tĩnh đáp xuống. May mắn là đạn trúng vào bình xăng phụ đã hết xăng, chỉ còn ít hơi đốt, nên phi cơ không bắt cháy như phi cơ đại uý An ở Bù Ðốp hôm nào. Vừa chạm đất, theo phản xạ tôi cùng anh Bửu nhanh tay tắt gió, xăng, điện rồi nhảy ra khỏi phi cơ. Mọi người chạy ngược lên đồi về phía hàng rào phòng thủ thứ nhất của đại đội công vụ Dù cách khoảng 100 thước. Tôi còn tiếc chiếc xách tay quần áo nên phóng vào trong phi cơ để lấy. Một cảnh thương tâm hiện ra trước mắt, một binh sĩ Dù bị trúng đạn ngay giữa trán, nằm ngửa chết ngay trên ghế. Trên sàn tàu, đống máy "sensor" vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ kịp vớ lấy cái xách tay rồi phóng chạy lên đồi theo những tiếng kêu gọi của binh sĩ Dù "trên đây nè thiếu uý, tụi tôi bắn yểm trợ cho". Tôi lom khom chạy trong khi tiếng đạn nổ lóc chóc trên đầu. Lên đến nơi tôi thở như bò rống. Không quân mà hành quân dưới đất thì phải biết là mệt đến đâu. Tôi nhớ mãi hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 1971.
Vừa ngồi nghỉ mệt, tôi vừa nhìn xuống bãi tải thương nơi chiếc phi cơ đang đậu hiền lành, thì cũng vừa lúc địch điều chỉnh tác xạ, một quả đạn đạn súng cối rơi trúng ngay tàu nổ tung, bốc cháy khói đen mù mịt cả một góc trời. Tôi nhìn con tàu xụm xuống, lòng quặn lên. Con tàu thân thương đó đã gần gụi với mình lâu nay, giờ thành một đống sắt vụn.
Một lát sau, theo chỉ dẫn của anh em binh sĩ Dù, chúng tôi men theo giao thông hào lần về đến ban chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Dù. Gặp lại phi hành đoàn anh Giang, On, Sơn anh em chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi rối rít. Chúng tôi được giới thiệu với các sĩ quan trong ban tham mưu Lữ Ðoàn 3. Ðầu tiên là đại tá Thọ lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 3, thiếu tá Ðức trưởng ban 3, dại uý Trụ phụ tá ban 3, đại uý Nghĩa sĩ quan liên lạc KQ, trung uý Chính sĩ quan Không trợ Dù, thiếu uý Long phụ tá ban 2. Về phía pháo binh thì có trung tá Châu tiểu đoàn trưởng và đại uý Thương trưởng ban 3 thuộc tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Ðại tá Thọ mừng anh em "mới đến" mỗi người một điếu Havatampa và một ly Hennessy để lấy lại tinh thần. Tôi ngạc nhiên vô cùng, đi đánh giặc, nằm ở tuyến đầu ác liệt vậy mà mấy "ông" nhảy Dù vẫn thản nhiên hút sì-gà Cuba và uống rượu Mỹ như máy! Quả các anh ăn chơi cũng dữ mà đánh giặc cũng chì thật.
Buổi chiều vùng rừng núi trời tối thật nhanh, chúng tôi dùng tạm bữa cơm dã chiến với ban tham mưu Lữ Ðoàn rồi chia nhau ngủ ké với anh em Dù. Tôi được ngủ chung một hầm với anh Nguyễn quốc Trụ, một sĩ quan trẻ xuất thân khóa 20 trường Võ Bị Ðà Lạt. Anh cũng là anh ruột của trung uý Nguyễn hải Hoàn, một hoa tiêu chánh trong phi đoàn tôi. Tin tức chiến sự mỗi ngày một căng thẳng hơn vì đối với cộng sản bắc Việt, sự hiện diện của căn cứ 31 trên hệ thống đường mòn HCM như một lưỡi dao đâm thẳng vào yết hầu của chúng. Vì thế cộng quân đưa thêm quân vào tạo áp lực nặng nề lên căn cứ 31 với ý định đánh bật căn cứ này ra khỏi sinh lộ của chúng.
Hai hôm sau, vẫn không có chuyến bay tiếp tế nào vào được vì địch quân luôn di động dàn phòng không của chúng khiến KQVN và HK không phát huy được ưu thế của mình. Mỗi sáng, chỉ có 2 phi tuần F4 đến ném bom vài khu vực khả nghi chung quanh đồi 31 và thỉnh thoảng mới có một đợt B52 rải thảm ì ầm xa xa vọng đến rồi mọi sự lại chìm vào rừng núi trùng điệp. Ngược lại, quân bắc Việt tập trung bao vây, tăng cường pháo kích suốt ngày nhằm quấy rối và làm tiêu hao lực lượng Dù.
Sáng ngày 25 tháng 2 năm 1971, chúng tôi nhận được lệnh và khởi sự di chuyển ra các hầm cứu thương sát bãi đáp chờ đến trưa đích thân phi đoàn với 3 chiếc H34 sẽ vào tải thương binh Dù đồng thời bốc 2 phi hành đoàn ra. Tôi và anh Bửu cùng vài thương binh Dù nấp chung với nhau trong một hầm trú ẩn. Ðến trưa khi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy nổ quen thuộc xa xa thì cũng là lúc địch khởi đầu trận "tiền pháo" dồn dập lên đồi 31. Qua lỗ châu mai từ trong hầm cứu thương nhìn qua bên kia đồi đối diện, cách nhau một cái yên ngựa, tôi thây rõ hai chiếc xe tăng T-54 của cộng quân tiến lên xếp hàng ngang, cùng với quân tùng thiết dày đặc chung quanh nhắm đỉnh đồi chúng tôi mà nhả đạn. Những tia lửa từ nòng súng phụt ra, tôi và anh Bửu thụp đầu xuống cùng nhìn nhau như nhắc nhớ câu mà anh em trong phi đoàn thường nói với nhau mỗi khi lên đường hành quân "Trời kêu ai nấy dạ!".
Ngòai kia, trong từng giao thông hào binh sĩ Dù chống trả mãnh liệt, nhất là những pháo thủ pháo đội C trên căn cứ 31, với những khẩu pháo đã bị hỏng bộ máy nhắm vì pháo kích của địch, họ phải hạ nòng đại bác để bắn trực xạ thẳng vào xe tăng địch bên kia đồi và trong những loạt đạn đầu tiên đã hạ ngay được 2 chiếc T54. Nhưng để trả giá cho hành động dũng cảm này nhiều binh sĩ Dù đã nằm xuống, có người nằm chết vắt trên những khẩu pháo của họ, trong số này có cả pháo đội trưởng Nguyễn văn Ðương, người đã là niềm hứng khởi cho một nhạc phẩm nổi tiếng sau đó. Chúng tôi vui sướng reo mừng trong hầm bên này. Không ngờ, chỉ mỗt lúc sau 2 xe tăng khác ở phía sau tiến tới ủi những chiếc xe cháy xuống triền đồi rồi lại hướng súng đại bác về đồi chúng tôi mà bắn! Sau vài loạt đạn, một phi tuần 2 chiếc F4 xuất hiện nhào xuống oanh tạc vào đội hình địch, và lại phá hủy thêm 2 xe tăng nữa. Trong tiếng bom đạn tơi bời, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng máy nổ của những chiếc H34 đang vần vũ trên cao như lo lắng cho số phận những đồng đội của mình. Cho đến khoảng 5 giờ chiều thì địch tràn lên chiếm được đồi. Chúng lùng xục từng hầm trú ẩn kêu gọi binh sĩ Dù ra đầu hàng. Biết không thể làm gì hơn, tôi và anh Bửu tháo bỏ súng đạn cá nhân, chui ra khỏi hầm.
Về phía KQ, tôi, anh Bửu, On và Sơn bị trói bằng dây điện thoại và bị dẫn giải ra bắc Việt chung với tất cả tù binh khác. Không thấy anh Giang và Em đâu. Chúng tôi bắt đầu thăm hỏi các SQ và binh sĩ Dù trên đường đi. Cuối cùng tôi gặp được anh Long là người ở chung trong hầm với anh Giang khi cộng quân kêu các ra đầu hàng. Ðến lần thứ 3 các anh vẫn không chịu ra nên chúng thảy lựu đạn chày và bắn xối xả vào hầm. Anh Long chỉ bị thương nhẹ nên chúng bắt theo còn anh Giang vì bị thương nặng gãy cả 2 chân không đi được nên bị chúng bỏ lại và chết ở trong hầm. Về phần mêvô Em thì bị lạc đạn trúng bụng đổ ruột ra ngoài, khi bị bắt dẫn đi Em cứ 2 tay ôm bụng giữ lấy ruột mà không hề được băng bó vết thương nên đi được một khoảng không chịu được đau đớn Em gục chết ở bên đường.
Thế là 219 ghi thêm vào quân sử của mình một thiệt hại 2 phi hành đoàn trên chiến trường Hạ Lào. Trong đó anh Giang và Em đã vĩnh viễn ở lại trên đồi. Ngọn đồi quyết tử 31. Những người còn lại của 2 phi hành đoàn đó là Bửu, On, Khánh và Sơn thì sa vào tay địch, bị đưa đến những bến bờ vô định, biết còn có ngày về hay không?
Viết để nhớ đến tất cả những chiến sĩ anh hùng đã thành danh hay vô danh, vẫn còn sống hay đã hy sinh cho quê hương đất nước. Sau 31 năm it ra tên tuổi các anh vẫn còn được nhắc đến một lần.

Bùi Tá Khánh

54 giờ trong rừng Bảo Lộc



Phạm Công Khanh 64 C (Thần Chùy - Long Mã)
Một giấc mơ hãi hùng đến với tôi trong đêm...
Tôi đi lạc giữa rừng núi cao nguyên, sương lạnh và giá rét, người bạn bên cạnh tôi rên xiết vì những vết thương đang hành, anh níu lấy cánh tay tôi và lê từng bước một cách khó khăn. Tôi cũng bị thương nhưng có lẽ nhẹ hơn. Hai người chúng tôi cùng dìu nhau đi trong bóng đêm, cố tìm lối thoát và lẩn tránh kẻ thù...

Một tiếng sấm ngoài trời làm tôi giật mình thức giấc. Bừng mắt dậy, tôi biết đó không phải là một giấc mơ - hay nói một cách chính xác hơn, giấc mơ ấy chính là những gì đã xảy ra trong đời binh nghiệp của tôi 37 năm về trước.

Không hiểu người bạn Lý Thường Kiệt , đã cùng đi với tôi trong khu rừng năm ấy, giờ phiêu bạc nơi đâu? Còn hay mất? Sáng hôm sau, tôi vội vàng lên "net" gửi đi khắp nơi với hy vọng mong manh sẽ nhận được vài tin tức về anh...
Câu chuyện ấy đã được nhà báo Anh Tử thuật lại trên nhất báo Chính Luận trong vòng một tuần lễ với tựa đề;
"36 giờ trong rừng Bảo Lộc".
Hôm nay, tôi thuật lại chuyện này, tai nạn đầu tiên trong nghiệp bay bổng của tôi và chính sác hơn:
"54 giờ trong rừng Bảo Lộc".

* * *

Sau khi mãn khóa trực thăng H-34 tại Fort Rucker, Hoa Kỳ, tháng 6 năm 1966, bốn hoa tiêu trực thăng về trình diện Bộ Tư Lệnh Không Quân. Nguyễn Chính Tâm và tôi PCK bốc thăm về Phi đoàn 211 (Thần Chùy) - Không Đoàn 33 Chiến Thuật, thời gian này Phi đoàn trưởng là Đại Úy Nguyễn Hữu Hậu và Phi đoàn phó là Đại Úy Nguyễn Kim Bông.
Sau một thời gian bay bổng, hành quân đổ bộ, trực tải thương đêm, tôi đã có một số kinh nghiệm chiến trường...
Hôm đó, cũng như mọi ngày, trước khi rời phần sở, tôi lên Phòng hành quân để nhận công tác cho ngày hôm sau, và được biết là phải có mặt sớm để thi hành phi vụ VIP đi Bảo Lộc. Trung Úy Lý Thường Kiệt là trưởng phi cơ, tôi hoa tiêu phó, cùng với Trung Sĩ Lê Ngọc Hồ cơ khí viên phi hành, chở phái đoàn Bộ Xã Hội đi khánh thành Đại Học Nông Lâm Súc tại Bảo Lộc.

Sau khi nhét hai gói Lucky Strike trong túi theo thói quen, tôi tới đúng giờ để nhận công tác. "Check weather" chúng tôi được biết thời tiết tại Bảo Lộc không được tốt lắm. Tiền phi xong, chúng tôi mang phi cơ sang sân VIP nằm bên phi cảng dân sự để đón phái đoàn của Bộ Xã Hội do Ông Nguyễn Văn Học (Bộ trưởng) hướng dẫn. Cùng đi còn có một Bác sĩ cố vấn người Thụy Điển, phóng viên Anh Tử của báo Chính Luận, ngoài ra còn có con trai Ông Bộ trưởng, một sinh viên cũng đi theo. Phi hành đoàn và phái đoàn tổng cộng 13 người!
8 giờ 30 sáng, phi cơ cất cánh, lấy cao độ, trực chỉ Bảo Lộc, qua khỏi Định Quán, lờ mờ bên dưới (đó là điểm check point) trời bắt đầu có sương mù, mây bắt đầu dầy, được báo ở Bảo Lộc thời tiết khả quan hơn, tơi nơi chúng tôi sẽ kiếm "lỗ" chui xuống. Bay trên mây, gió lạnh cao nguyên luồn vào buồng lái, tôi đốt điếu thuốc Lucky, kéo một hơi dài và cảm thấy rất ấm áp, phấn khởi với dự tính một chuyến đi lý thú tại Bảo Lộc, khác với những phi vụ hành quân, tản thương hay bay đêm...
Đang miên man với những ý nghĩ yên lành, bỗng nhiên tiếng động cơ của trực thăng "ho" lên vài tiếng, đánh thức sự cảnh giác của chúng tôi. Đẩy cần "mixture" lên "full", check kỹ lại những đồng hồ phi cụ, máy bay vẫn tiếp tục "ho". Vòng quay của máy (RPM) không được bình thường và phi cơ mất cao độ từ từ...
Chúng tôi lọt vào đám mây, Trung Sĩ Hồ bấm intercom báo cáo tình trạng hành khách đã tỏ ra hơi mất bình tĩnh. Anh L.T.K. bay instrument quẹo lại. lấy hướng trở lại Định Quán, tôi cố theo dõi các đồng hồ và nhìn một màu mây mù xám đặc vây quanh. Lúc đó chúng tôi rất bình tĩnh, nhìn nhau với đôi mắt sáng quắc, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc... Cao độ vẫn mất từ từ, có những lúc tôi cảm thấy tiếng động cơ im lặng hẳn rồi lại nổ trở lại rất nhanh.
Bỗng nhiên một màu xanh thẫm như một tấm màn bao phủ trước mũi phi cơ tới rất gần. Có lẽ lúc đó anh K. không nhìn thấy vì còn đang cặm cụi với những đồng hồ phi cụ. Tôi vội chụp vào cần lái, ấn intercom và hét to lên cho anh K. biết là "NÚI" và dùng động tác "Emergency - Force landing - "Flare" để "Touch down" (một phản xạ chớp nhoáng tự nhiên trong nghề).
Một tiếng ầm dữ dội pha lẫn với tiếng la hét của 13 người cùng với tiếng đổ ngã của cây cối, tiếng gãy nát của 3 cánh quạt và thân phi cơ, xẩy ra trong tích tắc. Lúc đó lồng ngực tôi như bị tức nghẹn vì sức va chạm quá mạnh, chân tay rã rời, ngồi trong tư thế nắm ngang, đầu chúi xuống những ngọn cỏ...
Tôi hít một hơi thật dài để trấn tĩnh. Tiếng người rên xiết, tiếng xăng chảy róc rách và mùi xăng nồng nặc khiến tôi trở nên sáng suốt hơn. Nhìn phía trên bên phải, tôi thấy L.T.K. còn đang kinh hoàng mở mắt nhìn tôi. Tôi quyết định phải rời phi cơ ngay vì sợ phi cơ phát hỏa. Trong vị thế buồng lái nằm ngang về phía bên trái, đầu cắm xuống đất, anh K. nằm trên, thì chỉ còn một lối thoát duy nhất là cửa sổ phía bên phải của Anh K.. Tôi cố gắng lắm mới gỡ được chân của Anh K. bị đè dưới ghế ngồi, sau khi mở seat belt của anh, tôi dùng hết sức đẩy Anh K. chui ra khỏi buồng lái và tôi bò ra sau.
Tôi quan sát thấy một phần đuôi của phi cơ bị treo tòng teng trên một cây cổ thụ. Tôi tiến lại cabin hành khách leo vào thì thấy Trung sĩ Hồ đã tử thương, đầu anh dù đội nón bay nhưng bị sức ép của ghế pilot từ trên dộng xuống, khiến đầu anh bị tụt hẳn vào trong thân người. Tôi còn đang bàng hoàng thương tiếc người đồng đội cùng phi hành đoàn thì tiếng rên xiết đau đớn cùng với giọng nói Tây phương "Au secour" đã khiến tôi sực tỉnh, đó là Ông Bác sĩ người Thụy Điển.
Tôi quay đầu lại, một cảnh tượng thật hãi hùng, máu đỏ lênh láng trên sàn phi cơ, tôi tiến lại từng người để coi sóc họ, thấy tất cả bị thương rất nặng và đang rên xiết. Bỗng anh phóng viên Anh Tử chợt ngồi dậy, hoảng hốt nắm lấy tay tôi rồi dáo dác tìm kiếm máy ảnh và đồ nghề của anh nhưng không thấy. Tôi nhủ thầm: thật may mắn, còn một người không bị thương!
Hai chúng tôi kiểm lại số người: chỉ có 12, thiếu mất anh sinh viên con Ông Bộ Trưởng, có lẽ anh đã bị văng đi xa. Tôi và Anh Tử chia nhau đi tìm kiếm nhưng không thấy. Trở lại thì chân Anh K. đã sưng phù lên, có lẽ bị gãy xương. Chúng tôi và Anh Tử bàn tính, mở bản đồ cố gắng chấm tọa độ và phương hướng.
Tôi quyết định đi một mình xuống sườn núi, theo con suối nhỏ dẫn tới quốc lộ 20 (Sàigòn -Bảo Lộc - Đà Lạt) trên đèo Blao, vùng Maragui, tìm phương tiện thông báo xin cứu cấp và chỉ định Anh tử ở lại để coi sóc anh L.T.K. và những người bị thương. Nhưng cuối cùng Anh K. và Anh Tử nhất định đòi đi theo tôi.
Tôi trở lại băng bó cho các vị trong phái đoàn và căn dặn ở yên tại chỗ, tôi sẽ cố gắng đi kiếm cách liên lạc thật nhanh với các toán cấp cứu.
Lúc 3 chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình là vào khoảng 11 giờ trưa cùng ngày. Xuống hết sườn núi quả nhiên chúng tôi gặp con suối nhỏ, liền đi theo với hy vọng sẽ sớm ra đường lộ. Đi theo con suối còn có những lợi điểm, thứ nhất có nước uống (vì thiếu ăn không sao nhưng thiếu nước là cả một vấn đề); thứ nhì đi dưới suối sẽ không để lại dấu vết gì.
Chúng tôi di chuyển rất chậm chạp vì Anh K. bị thương chân, đi rất khó khăn. Theo phương thức cứ một người đi nhanh mở đường, khoảng 20 phút thì dừng lại, ngồi đợi người kia dìu hoặc cõng Anh K. tới. Cứ như thế thay phiên nhau, nếu gặp trở ngại thì quay lại thông báo kịp thời.
Trên đường di chuyển, khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi nhìn thấy vài lon "Ration C" đã khui, không biết của toán quân bạn hành quân hay của du kích Việt cộng?
Anh Tử thận trọng đưa ra ý kiến:
-Các anh nên lột bỏ lon là đi thì hơn. Nếu không Việt cộng mà thấy thì ăn nói làm sao?
Nghe câu nói của anh ta trong lòng tôi vừa thấy khôi hài vừa đáng buồn!
Tôi và Anh K. chỉ cười rồi tiếp tục đi. Cắm cúi đi cả tiếng đồng hồ, khi trời nhá nhem tối, chúng tôi không thấy Anh Tử đâu nữa. Tôi hoang mang lo ngại, không biết anh có lọt vào tay địch hay làm mồi cho thú dữ không? Hay là anh tự ý tách riêng vì sợ đi chung với hai thằng phi công sẽ bị liên lụy?!
Nhưng dù là thế nào đi nữa, chúng tôi cũng phải cẩn thận hơn. Tôi không dám đi dưới suối nữa mà cõng Anh K. lên triền núi, đi dọc theo bờ suối khoảng 50 mét. Lúc này thì chân Anh K. đã sưng to, anh không đi được nữa, chỉ còn cách là tôi phải cõng anh mà thôi.
Trời tối đen như mực, giá lạnh của vùng núi xoáy vào người. Tôi tìm một nơi tương đối an toàn trong bụi rậm. Thời tiết núi rừng cao nguyên càng về đêm càng lạnh, hai hàm răng chúng tôi đánh vào nhau lạch cạch không ngừng. Tôi xé tấm nylon bọc bản đồ, tuy không được lớn cho lắm nhưng cũng đủ cho hai cái đầu chui vào. Với mục đích tiết kiệm, tôi chỉ đốt một điếu Lucky Strike cho cả hai hút chung. Khói thuốc đi sâu vào lồng ngực và tỏa ra trong thể tích bé nhỏ của bao nylon với hai cái đầu đã sưởi ấm chúng tôi phần nào.
Trong cơn đau, Anh Kiệt "nghiến" (anh có biệt danh là "Nghiến" trong khoá 62KQ) ôm lấy tôi thều thào:
-Đừng bỏ tôi K. nhé, con trai tôi mới đầy tháng hôm qua, nó cần phải có cha!...
Tôi nhủ thầm trong bụng để tự trấn an mình: Không thể có chuyện đó. Chúng ta nhất định sống để trở về!
Thế rồi, dù lạnh buốt chúng tôi cũng ngủ thiếp đi có lẽ vì quá mệt nhọc và vì đói. Rồi đêm hãi hùng cũng qua đi. Những tia sáng bình minh và tiếng chim hót buổi sáng đã đánh thức chúng tôi dậy, bắt đầu cho một ngày mới...
Sau khi đi lẫm lũi hàng giờ, chúng tôi tới một rừng đầy chuối. Tôi ngước nhìn lương thực mà Thượng Đế ban cho, đây rồi một buồng chuối chín vàng óng ánh. Tôi vội đặt Anh K. nằm xuống vì cây cao quá, tay không thể với tới được, tôi tìm một cục đá nhọn và ngồi đẽo vào thân cây. Tới lúc chỉ cần xô nhẹ một cái là cây chuối ngã xuống, thì một bầy khỉ không đông lắm, xuất hiện, và chúng bu lại để cướp lấy các trái chuối chín vàng. Không biết là chúng "cướp" của tôi hay chính tôi tới "cướp" của chúng, nhưng chúng còn để lại cho chúng tôi một số trái còn xanh. Tôi vội bẻ lấy và nhét đầy vào hai túi dưới áo bay để làm lương thực dự trữ. Tôi trở lại chỗ Anh K. nằm, chia nhau ăn. Những trái chuối hột vị rất chát và nước suối không thể coi là bữa ăn thịnh soạn nhưng ít nhất cũng giúp chúng tôi no nê và đủ sức tiếp tục lên đường...

Rồi một ngày nữa qua đi, đêm tối lại đến, tôi bắt đầu thấm mệt, lồng ngực tôi ê ẩm và da đã đổi thành màu tím đen. Đêm thứ hai, chúng tôi thiếp đi rất lâu, tới sáng thức dạy thì toàn thân rã rời, nhưng vì sự sống còn, chúng tôi tiếp tục lên đường.
Khoảng 10 giờ sáng, tôi chợt nghe thấy tiếng xe hơi chạy trên sườn núi phía trên. Mừng quá, tôi nói với Anh K. là chúng mình phải leo lên để ra quốc lộ 20. Tôi kiếm một khúc cây dài để leo lên trước và thòng cây xuống để kéo Anh K. lên. Cứ như vậy, trên sườn núi lau sậy mọc cao hơn 2 thước, chúng tôi đã leo lên được một khoảng khá xa, tiếng xe nghe càng gần hơn. Lúc đó mặt trời đã đứng bóng...
Tôi chợt nổi "da gà" vì nghe thấy tiếng động cơ rất quen thuộc!
Đúng rồi! tiếng động cơ H-34. Tôi hét to lên. Chúng tôi nhìn nhau trong lòng đầy xúc động, cùng quay đầu tìm hướng máy bay. Những chiếc trực thăng như những chấm nhỏ trên nền trời bắt đầu xuất hiện rồi từ từ tới gần. Tôi đã có thể nhìn thấy phù hiệu "Thần Chùy" của Phi đoàn và màu cờ của Không lực VNCH. Tôi vội đứng dậy, hăm hở dùng cây phang những ngọn lau chung quanh để lộ ra một khoảng trống, trong khi Anh K. dùng bao nylon làm động tác phản chiếu áng sáng và phất lên để gây sự chú ý của máy bay (vì phi vụ VIP nên chúng tôi đã xem thường không mang theo vũ khí cá nhân và những trang bị mưu sinh thoát hiểm).
Các đồng đội từ trên cao đã nhìn thấy chúng tôi. Một chiếc H-34 làm "low pass" ngang đầu và thả xuống một trái khói ngay gần chỗ chúng tôi, sau đó lắc cánh hướng dẫn xuống dưới thung lũng cách đó không xa, hai chúng tôi trườn lên trên bụi cỏ lau và lăn xuống ngay nơi chiếc H-34 đang "hover" chờ đón.
Ngước lên, tôi nhận ra Anh Hoan, tự Hoan "heo", đang vẫy tay cười và kéo chúng tôi lên, và sau đó người y tá phi hành bắt đầu nhiệm vụ...
Chúng tôi được đưa về Tổng Y Viện Cộng Hòa để săn sóc kỹ lưỡng, Chuẩn Tướng Võ Xuân Lành, Tư Lệnh Phó và Đại Tá Lưu Kim Cương, Không Đoàn Trưởng / Không Đoàn 33 Chiến Thuật, cùng gia đình, thân nhân, bạn bè trong phi đoàn thay phiên nhau tời thăm hỏi.
Tôi tường thuật mọi diễn tiến xày ra, chấm tọa độ vị trí phi cơ bị rớt và đề nghị phải đi tiếp cứu gấp vì các hành khách bị thương rất nặng. Tôi cũng tình nguyện xin đi theo để hướng dẫn vì cảm thấy đó là trách nhiệm của mình và đã được chấp thuận.
Tờ mờ sáng hôm sau, tôi được khiêng ra phi cơ, nằm trên "cáng", có một vị Bác sĩ phi hành đi theo săn sóc. Tới tọa độ phi cơ bị rớt, sương mù vẫn phủ kín, không sao vào được, máy bay phải đáp và "stand by" tại Bảo Lộc. Tới 1 giờ trưa, trời sáng của hơn, chúng tôi mới vào được. Đáng buồn thay, chỉ có hai người còn sống, 8 người kia đã chết...

***

Hai người sống sót là Ông Bác sĩ người Thụy Điển (bị gãy chân, tay) và anh sinh viên con trai Ông Bộ Trưởng. Sau khi máy bay rớt, tôi kiểm soát số hành khách và thấy thiếu mất một người, người ấy chính là anh. Anh bị bất tỉnh nhân sự, nằm lọt trong đuôi phi cơ treo tòng teng trên ngọn cây. Anh sinh viên cho biết một số vị trong phái đoàn chết ngay sau khi tai nạn xảy ra, một số chết vào ngày hôm sau, trong đó có cha anh. Ông đã trối trăng với anh trước khi chết!.
Riêng phóng viên Anh Tử, sau khi tách rời chúng tôi, đã đi dọc theo con suối và sau 36 giờ trong rừng Bảo Lộc, đã ra tới quốc lộ và đón xe về nhà.
Sau đó anh đã viết phóng sự : "36 giờ trong rừng Bảo Lộc" trên báo Chính luận.
Thú thực cho tới giờ này tôi cũng không hiểu tại sao Anh Tử lại tách rời. Anh sợ đi chung với chúng tôi có thể liên lụy khi bị Việt cộng bắt, hay muốn đi một mình cho nhanh hơn? Và vì phải cõng theo một người bị thương... Nhưng dù sao tôi cũng không trách anh này vì anh không phải là đồng đội của chúng tôi, không vướng mắc tâm nguyện "không bỏ anh em, không quên bạn bè" của những người cùng chung màu áo, màu cờ và nghiệp bay bổng.
Được biết, ngay sau khi máy bay chở VIP mất liên lạc, bị báo cáo mất tích, đích thân Đại Tá Lưu Kim Cương, KĐ Trưởng/ KĐ33CT đã tham gia tìm kiếm cấp cứu với Phi đoàn 211.
Sau khi tai nạn xảy ra - tai nạn đầu tiên trong nghiệp bay bổng của mình - tôi cứ thắc mắc nếu hôm đó anh sinh viên không xin đi theo, tức là tổng số người trên phi cơ chỉ có 12 chứ không phải con số 13 "xui xẻo", thì sự việc có khác đi chăng?
Tháng 9 năm đó, tôi tình nguyện ra Phi đoàn 219 Long Mã ở ngoài Đà Nẵng để thử "số mạng". Riêng Anh L.T.K. thì sau phi vụ nói trên đã từ giã nghiệp bay và chuyển ngành.
Cuối cùng vào tháng 4 năm 2002, tôi đã liên lạc được với anh. Hiện anh rất khoẻ mạnh (vẫn đi "cày"), gia đình hạnh phúc và các con đều thành danh cả.
Tôi viết bài này để tặng anh và để nhớ lại những kỷ niệm xưa của một thời bay bổng.
Melbourne/ Victoria/ Úc Châu
Phạm Công Khanh

Chuyến bay kinh hoàng ngày 13-3-1975 của Phi đoàn 219 Long Mã


*Tình hình chiến sự từ ngày 1-3-1975 đến ngày 12-3-1975 tại Tây nguyên Nam Việt Nam :
- Ngày 1-3-1975 sư đoàn 968 Bắc Việt tiến chiếm các đồn bót gần Thanh An , pháo kích phi trường Cù Hanh – Pleuku
- Ngày 4-3-1975 trung đoàn 95 B việt cộng và sư đoàn 3 Sao vàng tấn công ngăn chặn QL- 19 tại An Khuê như muốn tấn công Pleuku , cắt đường giao thông Pleuku và Nha Trang .
- Ngày 5-3-1975 trung đoàn 25 việt cộng cắt QL-21 giữa Phước An và Khánh Dương ,cắt đường Nha Trang - Ban mê Thuột . Tướng Phú cho tăng cường trung đoàn 45 tại Thanh An và cho 2 tiểu đoàn biệt động quân và thiết giáp giải tỏa QL-19 nhưng không thành công .
- Ngày 7-3-1975 sư đoàn 320 việt cộng chiếm quận lỵ Thuần Mẫn trên QL-14 nằm giữa Pleuku đi Ban mê Thuột
- Tối ngày 7-3-1975 sau khi kết thúc chuyến bay trong ngày .Tôi tranh thủ rủ gunner Nguyễn văn Khỏe đi bộ ra Tx .Ban mê Thuột vào rạp cinema LODO bên hông chợ BMT xem bộ phim đang trình chiếu “ Long tranh hổ đấu “ do diễn viên Lý tiểu Long đóng . Nhìn đường phố bấy giờ có vẽ yên lặng một cách khác thường , mọi sinh hoạt người dân diễn ra bình thường .Tan xuất về phi trường Phụng Dực ( sân bay L-19 ) lúc 10:30 H nghĩ và sáng hôm sau Biệt đội chúng tôi bay về Nha Trang để nhận nhiệm vụ mới .
-Vào 1:20 H sáng ngày 10-3 -1975 , Biệt đội Long Mã 219 mới do biệt đội trưởng thiếu tá Huỳnh xuân Thu , PHD 219 , một số anh em kỷ thuật đang an giấc thì bị quân CSBV tràn vào tấn công . Trong đêm tối 2 bên bắn nhau dữ dội một số ngưới tìm nơi trú ẩn chống trả lại , một số người tìm cách thoát ra rào lưới B-40 đến phi cơ trực thăng đậu gần đó quay máy cất cánh bay đi và thoát được rất ít , số còn lại đợi đến sáng tìm cách băng qua phi đạo vượt rào ra QL21 xuôi theo dòng người chạy di tản về đến Phước An và nhờ điện đài bộ binh gọi về KĐ62CT-Nha Trang , và được giải cứu về Nha Trang ngày 11-3-1975

-Ngày 12-3-1975 thiếu tướng Phạm văn Phú , Tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức cuộc đỗ quân tăng viện để tái chiếm Ban Mê Thuột
- Từ ngày 10-3-1975 đến 15-3-1975 trung đoàn 53 bộ binh vẫn còn cầm cự chiến đấu tại mặt trận phi trường Phụng Dực Ban mê Thuột .

*Diễn biến chuyến bay kinh hoàng ngày 13-3-1975 của Phi đoàn 219 Long Mã :
-Sáng ngày 13-3-1975 , một họp đoàn Long Mã 219 do trung tá Luân đi trên chiếc C@C chỉ huy bay ra Cù Hanh –Phi trường Pleuku lấy thêm nhiên liệu , bay qua Hàm Rồng chở lương thực và đạn dược tiếp tế cho cánh quân trung đoàn 53 bộ binh đóng quân cố thủ cách phi trường Phụng Dực (sân bay L-19 ) không xa . Tôi đi trên chiếc slick 1, và đến cánh rừng cao su nơi đơn vị trung đoàn 53 bộ binh đóng , đạp hàng tiếp tế xuống nóc lô cốt của trung đoàn với sự yểm trợ của 2 chiếc gunship bay xung quanh và bay về Pleuku an toàn . Buổi chiều cùng ngày , họp đoàn Long Mã đỗ thêm 1 cánh quân đại đội trinh sát Sư đoàn 23 bộ binh gần phi trường Ban mê Thuột tăng cường quân cho trung đoàn 53 bộ binh . Vào khoảng 17:00 H kết thúc một ngày hành quân ( tiếp tế và đỗ quân ) .Họp đoàn Long Mã 219 trực chỉ hướng Đông bay về , do bấy giờ mây mù che khuất các nơi và chỉ có hướng đông là ít mây hơn cả để bay về Nha Trang . Sau khi bay được khoảng 15:00 phút , tôi nghe được trên sóng “SA-7 ,nó bắn SA-7 coi chừng ! “ mặt tôi xanh dờn , tôi lại nghe trên sóng UHF,VHF,FM giọng anh Nghiêm (mevo ) “ nó bay về tàu mình , hướng 5 giờ “ tiếng đ\úy Hùng “mầy bắn đi ! “. Nhưng hướng 5 giờ là góc chết làm sao mà bắn sau đó chỉ nghe tiếng nổ lớn phía sau , chúng tôi biết là tàu gunship 1 của PHD đại úy Hùng đã trúng đạn .

Rủi thay lúc đó , những đám mây đen lớn ào bay tới bao trùm cả họp đoàn ,và các tàu đều bật đèn lên để thấy tránh bay đụng nhau . Cơ phi , xạ thủ lúc đó phải căng mắt nhìn xung quanh , báo cho pilot đang bay bằng phi cụ .
Chợt tôi nghe tiếng động cơ khác bay gần tàu mình và tôi báo cho pilot biết “hướng 3 giờ có tàu “ . Lập tức tàu tôi rẻ sang trái và tàu kia rẻ sang phải mất hút trong đám mây mù . Họp đoàn bị lạc trong đám mây mù khoảng 15 -20 phút sau mới thấy biển Đông trước mặt .Khi đang bay đến địa phận tỉnh Diên Khánh tàu của tôi đi chỉ còn 250 pound xăng ,sợ không đủ nhiên liệu pilot cho bay là là sát bờ biển ở độ cao khoảng 10 mét ,để đề phòng hết nhiên liệu sẽ đáp auto khẩn cấp . Về đáp ở ụ tàu phi trường Nha Trang lúc 20:00 H tối và tôi nhìn vào bảng phi kế thấy đồng hồ xăng chỉ số 0 , thật hú hồn !
Cả họp đoàn về báo cáo bay ở Phòng hành quân Phi đoàn . Lúc đó mọi người lẳng lặng ghi vào sổ bay phi đoàn , xong tôi thấy anh trung úy Kiệt đến ngồi vào ghế bàn trực và đập tay xuống bàn khóc “ Hùng ơi ! tao không ngờ số mầy vắn như vậy .”.Cả phi đoàn cuối đầu mặc niệm chào vĩnh biệt PHD : Hùng - D.Hạnh – Nghiêm – Ân .

- Xin mượn câu nói của KQ Vĩnh Hiếu - PD 215 Thần Tượng :
“ Một nén hương thắp lên để tưởng nhớ tới những hoa tiêu Long Mã thuộc phi đoàn 219 đã bỏ mình tại Ban mê Thuột và Những Anh Hùng Mũ Đỏ đã anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc tại mặt trận Khánh Dương trong những ngày tháng cuối .”
-Và sau đây tôi xin mượn câu nói của người nhà trung úy Dương Đức Hạnh trong bài Ngày Tàn Cuộc Chiến I: Những Phi Vụ Cuối Cùng Của KQ Vĩnh Hiếu . PD 215 Thần Tượng

1.
Quang Bình, on May 30th, 2009 at 11:58 pm Said:
Chào Bác!
Cám ơn các thông tin cuả bác,.Tuy nhiên với mong muốn tìm kiếm người đã khuất vậy xin bác vui lòng cho cháu hỏi hiện nay có thể liên lạc ai trong số những người chứng kiến cảnh máy bay cuả trung uý Hạnh rơi không, nếu được may ra thể tìm được hướng rơi cuả máy bay hay khu vực rơi cuả nó.
Cám ơn bác nhiều, mong tin.
Reply
2.
Vĩnh Hiếu, on May 30th, 2009 at 9:28 pm Said:
Anh Bình,
Những gì anh Bình đã biết về Trung úy Dương Đức Hạnh hoàn toàn đúng. Tuy nhiên một chi tiết nhỏ là tên bạn bè đặt (nick name) là Hạnh H (hen=ho hen) chứ không phải Hạnh D.
Hôm tàu anh Hạnh bị bắn rơi, tàu tôi bị trục trặc kỹ thuật nên đến trễ không có mặt ngay tại chỗ. Tuy nhiên theo tôi biết thì vị trí khoảng phía Đông phi trường Phụng Dực cỡ vài cây số.
Vĩnh Hiếu
Reply
3.
Huỳnh Quang Bình, on May 30th, 2009 at 11:04 am Said:
Kính !
Trước tiên xin phép cho cháu gọi tác giả bằng bác vì cháu còn nhỏ. Hôm nay đọc xong bài của bác về trận chiến cuối của BMT cháu thấy rất giống những thông tin mà cháu đã có được. Và hơn hết cháu rất cảm ơn về các thông tin của bác vì hơn 34 năm nay gia đình cháu vẫn mãi đi tìm thông tin của một người cậu có lẽ đã tử trận ngày 12/3/1975 đó. Và cũng có thể là một người quen của bác, xin bác vui lòng cố nhớ lại cái tên Trung Úy Dương Đức Hạnh hay còn gọi là Hạnh D. Thông tin hiện có là Cố Đại Úy ( truy phong) Hạnh đã tử nạn khi bay tác chiến tái chiếm BMT ngày 12/3/75 (tức là 30/1 năm ất mão). Đêm ngày 9/3 – rạng ngày 10 /3 Trung Úy Hạnh đã thoát khỏi tay Việt Cộng khi sân bay BMT bị tấn công. Sau đó là kỳ nghỉ phép của trung úy, tuy nhiên vì một số đồng sự và chiến hữu còn mắc kẹt tại BMT nên Trung Úy Hạnh đã xung phong đi thay cho một trung úy khác vợ sinh.
Nay gia đình chúng tôi đang rất mong tin, hy vọng tìm được nơi chiếc máy bay lâm nạn nhằm thắp 1 nén nhang cho người quá cố. Kính mong bậc tiền bối giúp đỡ.
mail : hqb2u@yahoo.com
Đây là hồi ký viết lại “ Chuyến bay kinh hoàng ngày 13-3-1975 của Phi doàn 219 Long Mã “ trong những ngày cuối cuộc chiến mà tôi đã tham gia cho đến ngày giải phóng 30-4-1975 .Đã 35 năm trôi qua tôi chỉ nhớ được có vậy , ngay cả phi hành đoàn đi trên tàu cùng với tôi cũng không nhớ nỗi .có lẻ mình đã già rồi chăng ?! Mọi thiếu sót trong bài viết này mong các niên trưởng Phi đoàn 219 có đi trong ngày đó nhớ bổ sung dùm .

Xin cảm ơn .

Kingbee 219 Lâm Chung Minh

Monday, October 11, 2010

Thành Kính Phân Ưu


Vô Cùng Thương Tiếc
Nhận được tin Niên Trưởng Đặng Văn Phước 
Cựu Tư Lệnh Không Đoàn 51 Chiến Thuật.
Cựu Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 219 đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 11.10.2010 tại Orange County, California U.S.A.
Hưỡng thọ 84 tuổi.
Thành Thật Chia Buồn cùng Gia Đình Niên Trưởng Đại Tá Đặng Văn Phước.
Nguyện cầu Hương Linh người qúa cố sớm về cõi niết bàn.

Toàn thể anh em nhóm thân hữu Gia Đình Lôi Hổ và Hắc Long Nha Kỹ Thuật





















Friday, September 24, 2010

Thành Kính Phân Ưu,

Nhận được tin Ông Châu Lương Thêm Bào Huynh của Niên Trưởng Kingbee Châu Lương Cang vừa tạ thế tại Việt Nam

Hưởng Thọ 81 tuổi

Xin gưĩ lời chia buồn đến anh chị và gia đình.

Phạm Hòa và Gia Đình,


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU



Gia Đình Nha Kỹ Thuật đến Anh Chi Cang .
Nhờ anh Phạm Minh Mẫn chuyễn lời Chia Buồn của Thân Hữu

Wednesday, September 15, 2010

Biệt kích Thượng sĩ Trần Phúc Lộc,

Phi vụ "Cò Trắng" và những nấm mồ còn lại

LTS: Vào năm 1961, Không Quân Việt Nam có hai chiếc C-47 sử dụng riêng cho những phi vụ đặc biệt thả các toán biệt kích thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt, trong đó Trung Úy Phan Thanh Vân là một trong những trưởng phi cơ. Phi vụ "Cò trắng" nói tới ở đây đã được Phan Thanh Vân viết lại trong hồi ký "Người về từ cõi chết". (Bài viết của “Cò Trắng” Phan Thanh Vân, kể lại mọi chi tiết từ khi máy bay bị cháy và rớt xuống đất, chúng tôi sẽ đăng lại sau bài viết này).
Sở dĩ các phi vụ này được đặt tên "Cò Trắng" vì hai chiếc C-47 đã được tẩy xóa màu cờ, các huy hiệu, chỉ để lại toàn thân máy bay một màu nhôm trắng.
Gần đây Lý Tưởng Úc Châu nhận được một số tài liệu cũng như nhiều hình ảnh liên quan đến phi vụ nói trên, Ban Biên Tập xin đúc kết các tài liệu này với mục đích phổ biến thêm chi tiết về số phận của phi hành đoàn, và cũng để tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ Không Quân đã thầm chiến đấu trong bóng tối, đã hy sinh thân mình để thi hành những phi vụ tối mật, ra đi không hẹn ngày về. LT-UC

***
Phi vụ Cò Trắng thực hiện giữa năm 1961 gồm phi hành đoàn 7 người của Không Quân và 3 biệt kích quân. Thành phần phi hành đoàn:

Trưởng phi cơ: Trung úy Phan Thanh Vân
Hoa tiêu phó: Trung úy Phan Khắc Thích, Thiếu úy Trần Minh Tâm
Điều hành viên: Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu
Cơ Khí Viên: Thượng sĩ I Phạm Văn Đăng
Vô Tuyến Viên: Trung sĩ Nguyễn Văn Nở
Các biệt kích quân gồm: Thượng sĩ Trần Phúc Lộc, Thượng sĩ Đinh Như Khoa, và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết.

* * *
Vào đúng Ngày Không Quân VNCH (1 tháng 7) năm 1961, chiếc “Cò Trắng” cất cánh với nhiệm vụ tiếp tế cho một toán biệt kích đã được thả trước đây, và phi cơ đã bị rớt vào lúc 1 giờ 15 phút sáng ngày 2 tháng 7 tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Theo lời kể lại của ông Phạm Lâm, trùm họ đạo Kim Sơn, khi ông đi giăng câu trên cánh đồng ngập mặn ven biển, cách khu vực dân cư khoảng 5 cây số, thì vào lúc hơn nửa khuya, ông nghe tiếng động cơ máy bay, nhìn lên trời thì thấy một chiếc máy bay đang bốc cháy và lao xuống, sau đó tiếp tục cháy trên mặt đất. Đến gần sáng, tự vệ nông trường Bình Minh mới ra đến chỗ máy bay rớt, bắt giữ sáu người còn sống, tất cả đều bị thương; một người khác còn tương đối khoẻ, sử dụng thuyền cao su bơi trốn nhưng cũng đã bị du kích xã kế bên bắt giữ.

Ba người thiệt mạng tại chỗ là: Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu và Trung sĩ Nguyễn Văn Nở. Trong số này, hai người chết cháy vì bị kẹt trong phi cơ nên hài cốt không còn đầy đủ, và một người xác còn nguyên vẹn. Tất cả được chôn gần chỗ máy bay rơi (không có hòm).

* * *
Trong số bảy người còn sống và bị bắt, Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến vì bị thương nặng nên một ngày sau đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh và đã được ông Phạm Lâm đích thân khiêng đi chôn (cũng không có hòm).

Sáu người còn sống được Công An đưa về Hà Nội bằng xe tải và bị giam tại Hỏa Lò. Các nhân chứng có nhiệm vụ áp giải sáu người này kể lại rằng khi về đến Hà Nội thì tất cả vẫn còn sống, nhưng đến khi Cộng Sản Bắc Việt đưa ra tòa xét xử thì chỉ còn có 3 người là các anh Phan Thanh Vân, Đinh Như Khoa và Phạm Văn Đăng, còn anh Trần Minh Tâm thì đã chết vào ngày 4/7/1961, anh Nguyễn Văn Tiết chết ngày 2/8 và anh Trần Phúc Lộc đã chết ngày 28/11 -tất cả đều chết tại bệnh viện 108 Hà Nội. Và cả ba đã được Hà Nội chôn cất có mộ bia tử tế!

Sở dĩ ba người này được chôn cất tử tế là vì đây là lần đầu tiên một phi cơ thả biệt kích của miền Nam ra Bắc hoạt động đã bị rớt nên Hà Nội muốn làm lớn chuyện để công bố cho quốc tế biết. Và cũng chính vì thế, CSBV đã “chu đáo” cho Công An đưa hòm về Kim Sơn, đào xác Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến lên bỏ vào hòm để chôn lại!

Cũng nên biết trước phi vụ “Cò Trắng” này đã có nhiều toán biệt kích bị CSBV bắt giữ như các toán Caster, Echo, Dido..., nhưng vì không có xác phi cơ nên họ chưa muốn làm lớn chuyện, vì thế danh tính của các biệt kích quân đã được họ giữ kín; tất cả đều bị giam giữ hơn 10 năm, có người mãi tới năm 1976 mới được thả.

* * *
Lần này, với bằng chứng quả tang, Hà Nội đã ra sức thổi phồng vụ án, thông báo cho các giới chức ngoại giao, đưa ba người còn sống ra xét xử công khai tại Hà Nội và triển lãm các tang vật tại Ninh Bình.

Vì xét xử công khai, các anh đã có án tù rõ ràng: Trung úy Phan Thanh Vân 7 năm tù, Thượng sĩ Phạm Văn Đăng 3 năm, Thượng sĩ Đinh Như Khoa 15 năm. Các anh đã bị giam tại trại Bắc Bạc (Ba Vì, Sơn Tây) và sau đó chuyển đến trại Phố Lu (Lào Cai). Tới năm 1971, sau 10 năm tù giam và quản thúc, Trung úy Phan Thanh Vân đã được Hội Hồng Thập Tự Quốc tế can thiệp trả tự do và sang Pháp đoàn tụ với gia đình.

* * *
Cho tới nay, có nhiều giả thuyết về nguyên nhân đã khiến chiếc “Cò Trắng” bị rớt. Phối hợp hồi ký của Trung úy Phan Thanh Vân (...máy bay tự nhiên rung giật mạnh, không hề nghe một tiếng nổ hay bất cứ một âm thanh gì...) cũng như lời của các nhân chứng - cả dân chúng lẫn Công An địa phương – thì máy bay đã tự bốc cháy và rớt. Tuy nhiên, CSBV vì muốn thổi phồng sự việc nên đã tuyên truyền là phi cơ bị súng phòng không bắn hạ; và hiện nay họ vẫn trưng bày các hiện vật còn sót lại của chiếc C-47 nói trên tại Bảo Tàng Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân tại Hà Nội, để chứng minh cho chiến công “tưởng tượng” của mình!

Điều đáng tiếc là một vài tác giả Mỹ cũng căn cứ vào tuyên truyền của CSBV để viết rằng chiếc Cò Trắng nói trên bị phòng không bắn hạ.

Về nguyên nhân đã khiến phi cơ tự bốc cháy, có giả thuyết cho rằng do nội tuyến phá hoại. Khoảng cuối thập niên 1980, một tay nội tuyến VC đã kể lại trên một tờ báo ở Sài Gòn rằng vào năm 1961, anh ta là lính bảo trì phi cơ của Không Quân miền Nam và đã gài “pan” vào một phi cơ chở biệt kích ra Bắc và phi cơ này đã bị rớt. (‘Pan’ này được gài trong bộ phận nhiên liệu của động cơ, khi tới không phận Bắc Việt, nhiên liệu bị rò rỉ tiếp xúc với sức nóng của động cơ đã khiến phi cơ bốc cháy).

Nhưng dù sao, trước sự kiện có vô số “chiến công tưởng tượng” được thêu dệt sau khi CSBV chiếm được miền Nam, người ta cũng phải đặt dấu hỏi về “thành tích” của tay thợ máy nội tuyến này.

* * *
Về số phận của các ngôi mộ của phi hành đoàn, trước hết nói về ba người bị thiệt mạng tại chỗ là: Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu và Trung sĩ Nguyễn Văn Nở. Ngày ấy, tất cả được chôn vội vã gần chỗ máy bay rơi, không xác nào có hòm.

Tới năm 1980, một người dân khi đào ao đã đào được một hài cốt còn nguyên vẹn, mặc áo màu đen, trên vai áo có phù hiệu. Cha xứ của nhà thờ đá Kim Sơn cho bốc hài cốt lên đem về nhà thờ dự tính đưa vào miền Nam cải táng, nhưng đã bị công an xã giữ lại và cho chôn tại nghĩa địa xã. Người giáo dân trực tiếp bốc mộ đã bị Công An giam giữ hơn 3 tháng. Riêng cha xứ sau này vào miền Nam, sống ở nhà thờ Phát Diệm ở Gò Vấp, Sài Gòn.

Phối hợp lời kể của các nhân chứng năm 1961 và sự mô tả của chủ nhà - tức người đào ao sau này – người ta tin rằng hài cốt nói trên là của Trung sĩ Nguyễn Văn Nở, vì Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu bị kẹt trong phi cơ, chết cháy nên hài cốt không còn nguyên vẹn.

Như vậy, có thể tạm thời đi tới kết luận hiện nay cố Trung sĩ Nguyễn Văn Nở đang yên nghỉ tại Kim Sơn, Ninh Bình, còn hài cốt của Trung úy Phan Khắc Thích, Chuẩn úy Phạm Trọng Mậu thì vẫn còn nằm đâu đó dưới mặt đất, gần cái ao nói trên.

Người chủ nhà cũng kể lại rằng cho tới nay, thỉnh thoảng oan hồn của hai người vẫn còn hiện về ngồi ở gần bờ ao của nhà họ.

Mộ của Thiếu úy Tiêu Huỳnh Yến – người đã chết tại trạm xá của nông trường Bình Minh, được ông trùm Phạm Lâm chôn và sau đó được CSBV đào lên bỏ vào hòm chôn lại - thì hiện nay vẫn được ông chăm sóc.

Về ba người “may mắn” được CSBV chôn cất tử tế, thì hài cốt của Thiếu úy Trần Minh Tâm đã được gia đình cải táng đem về miền Nam,
chỉ còn lại mộ của hai biệt kích quân - Thượng sĩ Trần Phúc Lộc, và Trung sĩ Nguyễn Văn Tiết (với tên tuổi rõ ràng trên mộ bia).

* * *
Trong số thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng”, một số nhỏ may mắn được biết về việc Bộ quốc Phòng Mỹ “bồi thường”, đã làm thủ tục và được hưởng quyền lợi. Tuy nhiên đa số đã thất tung, và cho tới nay các cá nhân cũng như Hội đoàn Không Quân không có một manh mối nào để có thể liên lạc giúp đỡ, hướng dẫn cách làm thủ tục.
Chẳng hạn trường hợp của em Phan Khắc Đức (năm nay đã 48 tuổi), con trai của cố Trung úy Phan Khắc Thích. Niên khóa 1973-1974, Đức học lớp 9 tại Trường Quốc Gia Nghĩa Tử, mẹ - tức phu nhân của Trung úy Thích - là y tá phục vụ trong phi trường TSN. Sau biến cố tháng 4/1975, gia đình phải dọn ra cư ngụ tại một hẻm nhỏ tại Ngã Ba Ông Tạ, Đức phải nghỉ học đạp xích lô để sinh nhai... Từ đó tới nay, không còn một mối liên lạc nào có thể tìm lại được gia đình hay thân nhân của cố Trung úy Phan Khắc Thích để được Bộ Quốc Phòng Mỹ bồi thường!

* * *
Thay lời kết, chúng tôi hy vọng, dù rất mong manh, sẽ có chiến hữu hay vị độc giả nào đó biết được, hoặc rồi đây may mắn tìm ra tung tích của gia đình hoặc thân nhân của phi hành đoàn “Cò Trắng” và các chiến sĩ Biệt kích tham gia phi vụ, để thông báo về tình trạng những ngôi mộ của người thân, cũng như những quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng do công lao xương máu của những người đã nằm xuống cách đây 45 năm.
Trong trường hợp sự việc tốt đẹp ấy xảy ra, Tòa Soạn Lý Tưởng - Úc Châu sẽ cung cấp chi tiết để tìm mộ – những chi tiết mà chúng tôi không tiện phổ biến trên trang báo này.

Melbourne, tháng 12/2006
Ban Biên Tập LT-UC
(tổng hợp theo các tài liệu)

* * *
Các chi tiết và tài liệu viết thêm:

* Theo hồi ức của Trung Tá KQ N.U., trước phi vụ của Cò Trắng của Trung úy Phan Thanh Vân đã có một chiếc C-47 cũng thi hành nhiệm vụ thả biệt kích quân và đã mất tích trên không phận Bắc Việt. Phi hành đoàn gồm có:

Hoa tiêu: Trần Văn Hội và Lê Chí Nguyện
Điều hành viên: Nguyễn Đăng Lợi
Vô tuyến phi hành: Đức (không nhớ họ)
Cơ phi: (không nhớ tên)

Ngoài ra còn có một chiếc C-123 trong khi bay đêm thực tập thả biệt kích tại núi Sơn Chà gần Đà Nẵng đã bị tai nạn và toàn bộ phi hành đoàn đã hy sinh, gồm:

Hoa tiêu: Lê Tuấn Kiệt và Hồ Văn Ứng Kiệt
Điều hành viên: Lê Lãnh Hưng - Vương Văn Chức - Nguyễn Tấn Tập
Cơ phi: Đạt (không nhớ họ)
Ngoài ra còn một huấn luyện viên Hoa Kỳ.

Sau tai nạn này, Hoa Kỳ đã thuê mướn thêm các phi hành đoàn Trung Hoa (Đài Loan) để thi hành các phi vụ thâm nhập lãnh thổ Bắc Việt.

* Theo cuốn "Spies and Commandos" của hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé (do sưu tầm viên Phạm Anh Tài cung cấp), ngày ấy chỉ có độc nhất một chiếc C-47 Cò Trắng và được lấy một ngụy danh là "Vietnamese Air Transport" gọi tắt là VIAT, lúc đó do Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy, và đã có 20 phi công tình nguyện thi hành những phi vụ này dưới mật danh “Haylift”.

Mặc dù là các phi công dày dạn kinh nghiệm trong các phi vụ chuyển vận, nhưng khi bay ra phía Bắc họ cần phải được hướng dẫn thêm. Bởi khi bay ra Bắc, phi hành đoàn sẽ phải bay những phi vụ kéo dài tưởng như vô tận, bay ở một cao độ thấp đến địa điểm thả biết kích mà không hề được trang bị các phi cụ hiện đại. Đó là chưa kể yếu tố thời tiết xấu vào mùa mưa lớn, địa hình núi non hiểm trở đã tạo thành một phi trình nguy hiểm và tồi tệ nhất trên thế giới. Vẫn theo hai tác giả này, phi vụ Cò Trắng nói trên có nhiệm vụ thả xuống tiếp tế cho toán Castor (đã được thả xuống Bắc Việt khoảng một tháng trước). Trung úy Phan Thanh Vân cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi xế chiều, sau khi tiếp tế thêm nhiên liệu tại phi trường Đà Nẵng, phi cơ trực chỉ ra Bắc, không hành thì chỉ nhìn qua cửa sổ bay theo địa hình địa vật dưới đất xuyên qua các rặng núi thấy được qua ánh trăng để tìm ra bãi thả hàng mà toán Castor đánh dấu - phi trình này trước đây đã được sử dụng khi thả dù các toán Castor và Dido.

Thật sự thì toán này đã rơi vào tay giặc, và người trưởng toán đã bị CSBV ép buộc gởi tín hiệu về BUGS, một trạm tiếp vận truyền tin ở Phi Luật Tân để báo tin toán vẫn an toàn và cần phải được tiếp tế ở một địa điểm do họ chỉ định. Bốn ngày sau khi liên lạc, chiếc Cò Trắng đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã rơi vào bẫy của địch. CSBV đã bố trí sẵn súng phòng không tại đảo Hòn Me, một đảo nhỏ nằm cách đất liền 6 cây số ngoài bờ biển Ninh Bình. Kết quả, phi cơ đã bị bắn nát phần đuôi, bốc cháy và rơi trong đất liền khoảng 20 cây số.

* * *
Ở đây chúng tôi không bàn cãi về việc vào năm 1961, có 1 hay 2 chiếc C-47 được sử dụng cho các phi vụ “Cò Trắng” (bởi có thể hai tác giả Kenneth Comboy và Dale Andradé đã chỉ căn cứ vào sự kiện: lúc nào cũng chỉ có một chiếc “Cò Trắng” SẴN SÀNG ĐỂ SỬ DỤNG); cũng không bình luận về sự việc toán biệt kích bị CSBV cưỡng bách hợp tác, mà chỉ nói về chi tiết mâu thuẫn liên quan tới việc phi cơ bị rớt.

Tất cả các nhân chứng (dân làng, công an về hưu) đều kể lại rằng họ không hề nghe thấy tiếng nổ, mà chỉ thấy phi cơ tự bốc cháy, và bay từ đất liền hướng ra biển.
Nếu quả thực phi cơ “bị bắn nát phần đuôi, bốc cháy và rơi xuống đất liền...” như cuốn Spies and Commandos đã viết thì chắc chắn tất cả mọi người trên phi cơ đã phải chết tan xác chứ không thể chỉ có 3 người chết tại chỗ mà thôi!

Bên cạnh đó, nếu phi cơ rớt ở đất liền “cách bờ biển khoảng 20 cây số” như sách đã viết, thì làm sao có việc “một người khác còn tương đối khoẻ, sử dụng thuyền cao su bơi trốn nhưng cũng đã bị du kích xã kế bên bắt giữ” theo như lời kể của ông trùm họ đạo Kim Sơn?!

Thành thử, chúng tôi cũng nhân tiện xin phép được lưu ý quý độc giả một điều: không phải bất cứ cuốn sách nào của “thế giới tự do” viết về chiến tranh Việt Nam cũng chính xác, cũng đáng tin. Nhất là những cuốn viết trong những năm sau này, thường tham khảo tài liệu, sử dụng dữ kiện của phía CSVN.

Mà “tài liệu, dữ kiện” của CSVN chính xác tới mức nào, chúng ta chỉ cần nhớ lại trong thời gian cao điểm của các cuộc oanh tạc Bắc Việt, tổng số “máy bay của đế quốc Mỹ bị bắn hạ” trong một ngày, được loan truyền trên đài phát thanh nhà nước và các báo của đảng, thường NHIỀU HƠN tổng số phi cơ Hoa Kỳ tham dự các trận oanh kích trong ngày hôm đó!

Sự kiện lố bịch này, sau khi được tạm thời “cởi trói” vào năm 1986, chính một số nhà văn miền Bắc đã đem ra để diễu cợt.


(Ghí chú: Kèm theo bài viết này là các hình ảnh:
1- Thiếu Uý Trần Minh Tâm chụp trước chiếc T-6;
2- Tám khoá sinh KQ chụp trên tàu thủy;
3- Bản sao tờ "Công điện báo cáo mất tích";
4- Bản sao danh sách các KQ và biệt kích bị bắt đăng trên sách của VC;
5- Mộ của Th/sĩ Trần Phúc Lộc